4.3.07

VỀ TẤM ẢNH PHAN BỘI CHÂU VÀ CƯỜNG ĐỂ CHỤP CHUNG

BÀI ĐÃ ĐĂNG TRÊN GIAO ĐIỂM (bộ cũ) & GIAO ĐIỂM bộ mới:
http://www.giaodiem.us/us-2006/8-06/806-pbc-txa-2.htm


VỀ TẤM ẢNH PHAN BỘI CHÂU VÀ CƯỜNG ĐỂ CHỤP CHUNG

Trần Xuân An

Sáng hôm nay, 09-08-2006 (HB6), trên Tạp chí điện tử Giao Điểm, có đăng tải ý kiến của ông Trương Văn Tân và bài trả lời của ông chủ biên Nguyễn Văn Hóa, về tấm ảnh Phan Bội Châu và Cường Để chụp chung, vốn được nhiều người cho là không theo tôn ti quân thần thời phong kiến (đúng ra là phải “vua ngồi, tôi đứng”).



Để rõ hơn, xin xem theo link ở chú thích (*e), dẫn đến bài viết của nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc trên Tạp chí điện tử Chuyển Luân. Trần Viết Ngạc cho rằng khi chụp bức ảnh trái với đạo lí tôn ti phong kiến vốn có “vua ngồi, tôi đứng”, Phan Bội Châu có dụng ý khẳng định chính Phan Bội Châu mới là người lãnh đạo phong trào Đông Du, chứ không phải Cường Để.

Xin cảm ơn ông Trương Văn Tân đã phản hồi ý kiến và ông chủ biên Nguyễn Văn Hóa đã trả lời.

Để cuộc thảo luận thêm sôi nổi, trước hết, tôi chỉ nêu thêm một vài tư liệu sẵn có trong sách báo để chúng ta cùng tham khảo.


I. Về tư liệu:

1. Tôi đã viết ở một chú thích thuộc phần phụ lục của cuốn sách “Nguyễn Văn Tường, ‘những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được’” , đăng tải trên Tạp chí điện tử Giao Điểm, số tháng 5-2005:

“… trong “Tự phán”, Phan Bội Châu có viết: “Tôi khi chưa gặp Cụ [Mai Lão Bạng – TXA. chua thêm], chưa chụp bóng bao giờ, đến lúc hoan nghênh Cụ, tôi mới cùng Cụ chung nhau chụp một bức ảnh. Người Pháp biết được ảnh tướng tôi là từ lúc đó” (sđd., tr. 144 [1]). Xin hiểu câu này, trong điều kiện máy ảnh còn thô sơ, chưa có ống kính tối tân hiện đại, việc mật thám chụp ảnh lén là rất khó; chỉ có thể chụp ảnh trong hiệu ảnh. Chúng tôi nghĩ rằng, việc Pháp có được ảnh Phan Bội Châu để truy nã hẳn là ngẫu nhiên” [2].

Chi tiết cần chú ý là câu trích nguyên văn của Phan Bội Châu. Câu ấy cho người đọc một thông tin: lần đầu tiên Phan Bội Châu chụp ảnh (“chụp bóng”) là lúc gặp Mai Lão Bạng. Và cũng theo “Tự phán” , Mai Lão Bang sang đến đất Nhật Bản vào tháng ba năm Mậu thân (1908) [3] và đến tháng hai năm sau, Kỉ dậu (1909), Cường Để & Phan Bội Châu mới bị Nhật trục xuất [3].

2. Ngoài ra, còn có một bài thơ của Phan Bội Châu, “Xem bức ảnh mình trước đây 32 năm, tự trào” :

Râu mày trơ trẽn với non sông
Thiệt phải mình chăng, lòng hỏi lòng?
Sấm điếc gió câm, trời đất trọi
Muông qua chim lại, tháng ngày chung
Cố đôi (=quăng) xác thịt, đôi (=quăng) không đặng
Toan vớt đồng bào, vớt chẳng xong
Biết nói cùng ai, cười với bóng
Ông xanh xanh hỡi thấu chăng lòng?
[4]

Xin lưu ý: Dưới bài thơ này không được Phan Bội Châu ghi năm sáng tác, nên chỉ có thể phỏng đoán: khoảng vào năm 1937, căn cứ vào sự sắp xếp vị trí bài thơ của soạn giả bộ sách là phó giáo sư tiến sĩ Chương Thâu (hai bài đặt trước và sau bài này đều được Phan Bội Châu viết vào năm 1937, có ghi năm hoặc cả ngày, tháng lẫn năm sáng tác rất rõ ràng). Nhưng có lẽ Chương Thâu cũng chỉ phỏng đoán mà thôi. Vì vậy, trong trường hợp này, có thể thêm sai số +1 (không thể sớm hơn 1905 mà chỉ có thể muộn hơn 1905), thành năm 1938.

Nếu đúng là bài thơ được viết vào năm 1937 hoặc 1938, thì “bức ảnh mình trước đây 32 năm” , được chụp vào năm Ất tị (1905), lúc Phan Bội Châu mới sang tới Nhật Bản, hoặc đầu năm Bính ngọ (1906), Cường Để mới cùng Đăng Tử Kính qua đến nước Nhật [5], gặp Phan Bội Châu.

Nhưng có dữ kiện nào cho phép chúng ta nghĩ rằng, bài thơ trên viết về bức ảnh Phan Bội Châu và Cường Để chụp chung (“chúa đứng, tôi ngồi”) đâu? Vì nhìn kĩ, với mức phóng lớn tấm ảnh (xem Chuyển Luân, link đã dẫn), rõ ràng Phan Bội Châu trong ảnh vẫn có chừa râu mép (ứng với câu thơ thứ nhất: “Râu mày…”). Tuy vậy, cũng phải hiểu, “râu mày” chỉ là biểu tượng cho đàn ông, “tu mi nam tử” mà thôi. Câu thơ thứ hai, chỉ là một cách nói tu từ (mĩ từ pháp):

Thiệt phải mình chăng, lòng hỏi lòng?

Đó không phải là một câu nghi vấn thực sự (ảnh giả mạo).

Nhưng, cũng phải đặt vấn đề cho thật rốt ráo: Biết đâu, bài thơ trên có thể được sáng tác muộn hơn, 1939 hoặc 1940 chẳng hạn, và đầu đề bài thơ của Phan Bội Châu cũng sai nốt (không phải 32 năm, mà chỉ 30 năm).

Từ đó, với giả thiết như vậy (ảnh được chụp muộn hơn 1908), có thể nói, tấm ảnh “vua đứng, tôi ngồi” (Cường Để & Phan Bội Châu) được chụp ở một thời điểm sau thời điểm Phan Bội Châu chụp chung ảnh với Mai Lão Bạng (1908).

Sở dĩ, có thể đặt giả thiết với sự sai lệch thời điểm khá lớn như vậy là bởi, qua nhiều văn bản do Phan Bội Châu trước tác, người đọc thấy ông có rất nhiều lầm lẫn khi hồi ức. Xin đơn cử: Trong bài “Tết tha hương” , Phan Bội Châu nhớ số lượng du học sinh đến 400 người; Chương Thâu phải ghi chú là Phan Bội Châu nhớ không thật đúng, sự thực là chỉ trên dưới 200 người mà thôi. Thậm chí, có lầm lẫn đến mức không ngờ là ngày thành lập Việt Nam quang phục hội, một ngày rất trọng đại, Phan Bội Châu cũng không nhớ thật chính xác. Đoạn cuối bài, Phan Bội Châu lại viết: “Tháng giêng năm sau, tức năm Quý sửu, Việt Nam Quang phục hội ở Quảng Đông đến ngày thành lập” ; Chương Thâu phải ghi chú thêm: “Về ngày thành lập Việt Nam Quang phục hội, ở đây Phan Bội Châu nhớ không chính xác. Theo như “Ngục trung thư” (1914), “Phan Bội Châu niên biểu” (1929) thì đều chép là tháng 5-1912, năm Nhâm tí, chứ không phải tháng giêng năm Quý sửu (2-1913)” [6]. Tuổi già, trách sao được những lầm lẫn do lão hóa như thế.


II. Về chủ ý khi chụp ảnh “vua đứng, tôi ngồi”:

Nếu quả thật là không còn nghi ngờ gì nữa về tính xác thực của tấm ảnh Phan Bội Châu (ngồi) và Cường Để (đứng) nói trên, tôi nhận thấy có ít ra là 3 luồng ý kiến, trong đó có 2 ý kiến chúng ta đã biết:

1. Ý kiến của nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc;

2. Ý kiến của ông chủ biên Tạp chí điện tử Giao Điểm Nguyễn Văn Hóa.

Ngoài ra, còn còn có thêm ý kiến thứ 3:

3. Ý kiến từ ý kiến của anh Lê Tiến Công (phóng viên Tạp chí Huế Xưa & Nay, giảng viên Đại học Khoa học Huế). Hôm qua, anh Lê Tiến Công có nhắn tin và trao đổi qua điện thoại với tôi. Tuy dè dặt, nhưng anh không tỏ ra không đồng ý với cách lí giải của nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc. Và vô hình chung, tôi nghĩ rằng có thể người ta sẽ lí giải: do Phan Bội Châu lớn tuổi hơn, nên Phan Bội Châu phải ngồi, còn Cường Để trẻ hơn ông đến 14, 15 tuổi, theo tôn ti tuổi tác và đạo lí “kính lão đắc thọ”, Cường Để phải đứng.

Thật ra, từ lâu, tôi nghĩ, tôn ti tuổi tác và tôn ti quân thần đều phải được xem trọng trong xã hội, nhất là xã hội phong kiến ngày xưa, vốn đặt nặng chữ “Lễ” (với cách thức, ý nghĩa tác dụng theo quan niệm bấy giờ), và cho đến ngày nay, cả hai loại tôn ti ấy không phải là không có một giá trị giáo hóa xã hội nào đó, nên cũng chưa hẳn đã nhạt nhòa. Tuy nhiên, trong trường hợp hai loại tôn ti ấy không thống nhất (vua lớn tuổi hơn bề tôi) mà mâu thuẫn nhau (bề tôi lớn tuổi hơn vua), như trường hợp Phan Bội Châu và Cường Để, thì ngày xưa, người ta phải đặt tôn ti quân thần lên trên tất cả mọi loại tôn ti khác, gồm cả tôn ti tuổi tác (đại thần râu tóc bạc phơ cũng phải khấu đầu trước ấu chúa dăm bảy tuổi).

Theo tôi, tôi chỉ nên ghi chép lại lời của chính Phan Bội Châu phát biểu trước tòa án tại Hà Nội vào ngày 23-11-1925: “Tôi phản đối chính trị cố nhiên là phải cần có người, cần có của, và phải lợi dụng ông Cường Để, cho người trong nước, đã in sâu cái óc quân chủ, vui lòng giúp rập (TXA. nhấn mạnh). Điều đó tôi không chối” [7]. Như vậy, thực chất, Phan Bội Châu vẫn là một nhà dân chủ với ý thức như Trần Viết Ngạc đã nêu: Phan Bội Châu chứ không phải Cường Để, mới đích thực là lãnh tụ của phong trào Đông Du, với sự xác quyết mục tiêu chính trị của phong trào ấy là làm cách mạng, đánh Pháp, giành độc lập dân tộc và xây dựng chế độ quân chủ lập hiến mà vai trò thủ tướng là tối cao và quyền lực quốc hội có giá trị quyết định nhất, nhà vua cùng hoàng gia chỉ là thứ yếu, đều phải chấp hành hiến pháp. Ít ra, đó cũng là mục tiêu dân chủ của Phan Bội Châu, tuy có gì đó, cho đến hôm nay, đầu thế kỉ XXI, hậu thế chúng ta, hẳn có người vẫn còn cảm giác nào đó hơi … “bất bình”, khi nhìn ngắm bức ảnh ấy. Nếu hiểu mình bị lợi dụng chỉ như một “chiêu bài”, mặc dù biết rằng sự việc này thường xuyên diễn ra dưới chế độ phong kiến hàng ngàn năm, hẳn Cường Để đã buồn đau, phẫn nộ biết chừng nào? Hay tự thâm tâm, và biết đâu, Cường Để đã cùng Phan Bội Châu minh bạch giao ước: Cường Để đã là và sẽ là một nhà vua quân chủ lập hiến, đồng chí và đồng quyền lợi (chia sẻ quyền lực tùy tỉ lệ như hiến định) với Phan Bội Châu, theo trào lưu tiến bộ xã hội bấy giờ [8], những năm đầu thế kỉ XX (01-09/XX)? …

Nên chăng, cần thêm vài dấu cảm xen lẫn với vài dấu hỏi?

Khế ước xã hội vốn minh bạch?

Kính mong được góp ý thêm về bài viết…

TRẦN XUÂN AN
Tp.HCM., 17 giờ 24, ngày 09-08 HB6 (2006)

_____________________


[1] Phan Bội Châu, “Tự phán” , Nxb. Văn hóa – Thông tin, 2000, tr. 144.

Đối chiếu: Chương Thâu (biên soạn ), “Phan Bội Châu toàn tập”, tập 6, [trong tập này có “Phan Bội Châu niên biểu” (tên khác của cuốn “Tự phán” )], Nxb. Thuận Hóa, 1990, tr. 176.

[2] Xem: http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/505_nvt_phulucV.htm

[3] “Tự phán”, sđd., tr. 142 & 156.
Ngoài ra, có một số bài thơ khác của Phan Bội Châu có liên quan đến ảnh chụp như sau:

+++ “Đề bức ảnh chụp chung với Nguyễn Ngọc Dư” ,
trong “Phan Bội Châu toàn tập”, tập 5, sđd., tr. 376.

+++ “Đề sau bức ảnh cụ Lý Tuệ”
trong “Phan Bội Châu toàn tập”, tập 5, sđd., tr. 323.
Lý Tuệ chụp ảnh kỉ niệm khi vô Huế thăm PBC., vào năm 1931 (sđd., tr.đd.).

+++ Câu đối (1937): “Tặng Thần Kinh ảnh quán”
“Phan Bội Châu toàn tập”, tập 6, sđd., tr. 447.
Khoảng 1936 – 1940 (chú thích sđd., tr. đd.)

[4] Chương Thâu (biên soạn ), “Phan Bội Châu toàn tập”, tập 5, Nxb. Thuận Hóa, 1990, tr. 378.

[5] “Tự phán” , sđd., tr. 78 – 79.

[6] “Phan Bội Châu toàn tập” , tập 4, sđd., tr. 374 – 378.

[7] “Phan Bội Châu toàn tập” , tập 4, sđd., tr. 22 – 24.

[8] Về sau, chính Phan Bội Châu cũng phủ định chế độ quân chủ lập hiến mà chủ trương chính thể cộng hòa, dân chủ, tiến bộ hơn.

TXA.