15.9.06

CHỦ NGHĨA PHÁP – VIỆT ĐỀ HUỀ CỦA PHAN BỘI CHÂU

BÀI ĐÃ ĐĂNG TRÊN GIAO ĐIỂM (bộ cũ) & GIAO ĐIỂM bộ mới:
http://www.giaodiem.us/us-2006/8-06/806-pbc-txa-1.htm

CHỦ NGHĨA PHÁP – VIỆT ĐỀ HUỀ CỦA PHAN BỘI CHÂU
_____________________________________________________

TRẦN XUÂN AN

(sơ thảo)

Mặc dù có những sai lầm về sử học, Phan Bội Châu vẫn là một nhà yêu nước, hoạt động cách mạng được lịch sử ghi nhận. Tuy nhiên, ngay trong phương diện chống Pháp, tư tưởng và hành trạng của Phan Bội Châu cũng vấp phải nhiều sự đánh giá khác nhau. Xét từ thời điểm gây tiếng vang lớn nhất, ngay từ 1925, lúc cuộc xét xử Phan Bội Châu do Hội đồng Đề hình, gồm 5 người, đều là thực dân Pháp, diễn ra ở phiên tòa mở tại Hà Nội, cũng đã có nhiều lời khen và cả tiếng chê Phan Bội Châu, nhất là sau khi “Lời tuyên ngôn thông cáo cả toàn quốc” của Phan Bội Châu được đăng tải trên báo chí bấy giờ (1). Về sau, không rõ thực hư thế nào, nhưng nghe phong thanh đâu đó, theo một số bài viết được công bố gần đây, là đã có một thời, khoảng giữa những năm 50/XX, ở Miền Bắc, trong phong trào “quá tả”, nhân vật lịch sử Phan Bội Châu bị người ta làm hình nộm giống y người thật đem ra giữa chợ đấu tố. Riêng tôi, người viết bài này, lúc còn là sinh viên năm thứ tư Đại học Sư phạm Huế (1977), có dịp cùng cả lớp Ngữ văn 4 ra tham quan các di tích ở Nghệ An, trong đó có Nhà lưu niệm Phan Bội Châu, tôi đã chứng kiến được nỗi mặc cảm còn âm hưởng khá sâu đậm ở con gái út của Phan Bội Châu.

Thật ra, mặc dù có những hạn chế nghiêm trọng thực sự, Phan Bội Châu vẫn được nghiên cứu, giảng dạy ở đại học và trung học với sự đề cao những mặt tích cực trong tư cách, vị trí là một nhân vật lịch sử, một tác giả văn học có tầm cỡ.

Một trong những hạn chế của Phan Bội Châu, đó là “chủ nghĩa Pháp - Việt đề huề” của ông.

I. Phan Bội Châu trước tòa án công khai của thực dân Pháp:



Không phải đến ngày 23 tháng 11 năm 1925, lúc phiên tòa của thực dân Pháp xét xử Phan Bội Châu, “chủ nghĩa Pháp – Việt đề huề” mới chính thức và công khai do chính Phan Bội Châu phát biểu tại phiên tòa ấy, mà đã được ông công bố từ 1918, lúc Phan Bội Châu còn hoạt động trong điều kiện khá tự do tại Trung Quốc.

Nội dung phiên tòa, gồm cả việc đề cập đến “chủ nghĩa Pháp – Việt đề huề” ấy, đã được ghi lại trong một bản tường thuật (2):

“… Cụ Phan nói đến đây, trạng sư Bona hỏi cụ rằng:

- Trong lời khai, cụ có nói rằng, cụ cũng có cái tư tưởng thân Pháp, cái tư tưởng ấy, cụ có viết trong hai cuốn sách kia mà?

Cụ Phan đáp:

- Có, tôi có viết hai cuốn sách, một cuốn là “PHÁP VIỆT ĐỀ HUỀ LUẬN” (3), và một cuốn là “DƯ CỬU NIÊN LAI SỞ TRÌ CHI CHỦ NGHĨA” (4). Tôi có gửi hai cuốn sách ấy cho quan toàn quyền Sarraut. Coi đó thì tôi không phản đối nước Pháp, tôi chỉ phản đối cách cai trị thuộc địa của nước Pháp mà thôi. Từ năm 1916, 1918 trở về sau, chắc chính phủ Pháp cũng biết những điều lầm lỗi ấy, chính trị đã biết cải lương đôi chút, công thương phát đạt, trường học mở nhiều, tôi cũng có bụng mừng cho tiền đồ Nam Việt. Tôi mong rằng được cùng chính phủ hiệp lực, đồng tâm, người Nam, người Pháp cùng dắt tay nhau lên con đường văn minh tiến bộ. Nên vừa rồi, tôi có viết một quyển sách nữa, nhan đề là “SÁNG TẠO THIẾU NIÊN VIỆT NAM QUỐC CHI PHƯƠNG PHÁP”, trong đó có nói những điều tiến bộ của chính phủ Pháp đã gây cho nước Nam.

Cụ Phan nói đến đây, ông chánh án dứt lời và nói:

- Hội đồng Đề hình chỉ xét lại cáo án năm 1913 xử vắng mặt cụ vào tử hình mà thôi, còn việc từ năm 1913 trở về sau, thì không cần nói đến; vậy những tội kia cụ có nhận hay không thì nói.

Cụ đáp:

- Tôi chỉ nhận có 4 tội như tôi đã nói, còn ngoài ra tôi không có tội gì khác”.


Như vậy, hiển nhiên phiên tòa ấy chỉ được thực dân Pháp tổ chức nhằm xét xử lại bản án thứ ba do Hội đồng Đề hình Bắc Kỳ của Pháp tuyên tại Hà Nội từ 12 năm trước (05-9-1913), không kể đến hai bản án do quan chức Nam triều tuyên tại Hà Tĩnh (27-5-1908), tại Vinh (Nghệ An, 07-02-1910), cũng không xét xử những hoạt động của Phan Bội Châu từ 1913 đến thời điểm ông bị bắt, 1925.

Trong phiên tòa thứ tư và cũng là cuối cùng này, vào ngày 23-11-1925, Phan Bội Châu đã tranh cãi với quan tòa thực dân Pháp, có sự biện hộ của hai luật sư người Pháp, nhưng thực ra, luận cứ chính yếu Phan Bội Châu đưa ra là chỉ khẳng định lại “chủ nghĩa Pháp – Việt đề huề” của ông như chúng ta đã đọc ở đoạn trích dẫn trên. Cụ thể hơn, Phan Bội Châu đã đưa ra những lí lẽ:

“Nếu tôi là người có tội, thì tôi chỉ có bốn tội sau này:

1) Chính phủ sang bảo hộ nước Nam, không ai phản đối mà một mình tôi phản đối, lại muốn cho nước Nam độc lập.

2) Nước Nam xưa nay là chính phủ chuyên chế, mà tôi muốn cho nước Nam thành ra một dân quốc.

3) Nhà nước cấm không cho người đi du học ngoại quốc, mà tôi trốn đi và rủ người đi ngoại quốc.

4) Tôi trước thư, lập ngôn để cổ động dân Nam thức dậy, yêu cầu chính phủ cải lương chính trị, làm hết cái thiên chức khai hóa của mình”
(lời cãi trước tòa của Phan Bội Châu) (5).

Nhà yêu nước Phan Bội Châu, trong tư thế bị cáo trước vành móng ngựa của tòa án thực dân Pháp, trước đó, đã biện minh cụ thể theo trình tự thời gian đã ông trải qua. Đây là thuở mới bắt đầu dấn thân vào hoạt động cách mạng:

“Thế nhưng tôi là một kẻ thư sinh, túi không có một đồng tiền, tay không có một tấc sắt, không lấy võ lực mà phản đối lại được, vậy tôi chỉ dùng văn hóa, nghĩa là trước thư, lập ngôn để cổ động nhân dân, yêu cầu chính phủ cải lương chính trị. Chẳng dè chính phủ ngờ vực tôi, bắt tôi, tôi phải trốn ra ngoại quốc để hành động cho đạt cái mục đích của tôi” (lời cãi trước tòa của Phan Bội Châu, ngày 23-11-1925) (6).

Phan Bội Châu khẳng định ông chỉ đấu tranh bằng vũ khí văn hóa, và văn hóa cũng chỉ đơn thuần là sách, những bài luận và thơ văn. Mục tiêu đấu tranh cũng chỉ là cải lương về phương diện chính trị thuộc chế độ thống trị của Pháp:

“Tôi phản đối là phản đối chính trị mà thôi, còn về chủng tộc, về tôn giáo, tôi không hề phản đối. Ai ai cũng là con Thượng Đế, người Nam, người Pháp vẫn là anh em một nhà. Tôi muốn rằng người Pháp, người Nam dìu dắt nhau mà cùng mưu lợi chung, miễn là chính thể cải lương cho được công bằng, cho có nhân đạo” (lời cãi trước tòa của Phan Bội Châu) (7).

“Tôi phản đối là phản đối chính thể mà thôi, sao lại gọi là phá hoại chính phủ Bảo hộ được!

Dân Việt Nam mất nước, như đàn con mất mẹ, chính phủ Bảo hộ tự nhận làm người mẹ nuôi ôm lấy mà trông nom dạy bảo cho. Tôi cũng là người trong nhà, trông thấy anh em mồ côi mồ cút cũng thương, lẽ đâu muốn cho anh em mất người mẹ nuôi ấy! Tôi cổ động là cổ động cho đồng bào biết hợp quần, biết ái quốc, biết yêu cầu cải lương chính trị, chớ có cổ động cho nhân dân làm loạn đâu?... Vả, nếu là kẻ có ý muốn làm loạn, thì tôi cứ ở ngay trong nước theo với Đề Thám cũng có thể làm được, có cần gì phải bỏ vợ, bỏ con, bỏ nhà, bỏ nước mà trốn đi ngoại quốc làm gì? Năm 1913, tôi nghe tin buộc tôi vào tội tử hình thì tôi vẫn đi lại ở Thượng Hải, có sợ gì đâu, vì tôi tự biết là vô tội”
(lời cãi trước tòa của Phan Bội Châu) (8).

Cho dù “chủ nghĩa cải lương” hay “chủ nghĩa Pháp – Việt đề huề” ảo tưởng vẫn còn có nét nào đó đáng quý so với tư tưởng tay sai, ý thức bù nhìn thời bấy giờ, nhưng cách nói của Phan Bội Châu, nghe ra có gì đó quá đỗi tủi thẹn khi thừa nhận chế độ thực dân Pháp đã và đang “làm cái thiên chức khai hóa”, là “người mẹ nuôi” của dân tộc ta, một dân tộc bị rơi vào cảnh mất nước (bởi chính kẻ cướp nước là thực dân Pháp!) như “đàn con mất mẹ”!

Và còn tủi hổ, nhục quốc thể hơn thế nữa, khi chính nhà yêu nước, cách mạng Phan Bội Châu lại phát biểu trước quan tòa thực dân và đông đảo người dự phiên tòa, để phản bác sự buộc tội của Pháp, chúng cho rằng Phan Bội Châu đã “phản đối” chúng vì động cơ chức quyền phú quý:

“… cuốn “LƯU CẦU HUYẾT LỆ TÂN THƯ” là tôi làm từ trước, có đưa cho ông Phan Chu Trinh và cụ thượng Cao Xuân Dục xem, như vậy có phải là vì bất đắc chí với khoa cử rồi muốn tiếng ái quốc để cầu lợi lộc gì đâu?” (9).

“Nước Nam mà không thành được dân quốc, tôi nhận cái danh tổng thống thời quý hóa gì, ví như một nhà, ông Cường Để là người chủ mà tôi chỉ là người giúp việc; việc chưa nên cơ ngũ gì, tôi viết báo, làm sách lấy tiền nuôi thân và nuôi các đồng chí; trong các sách đó, cũng có cuốn tôi viết, cũng có cuốn người khác mượn tên tôi mà viết (TXA. nhấn mạnh). Trong các sách tự tay tôi viết, có chỗ ví người Pháp như thần thánh, ví dân Nam như gà như lợn. Tôi khuyên người Nam nên cố học cho bằng người Pháp để yêu cầu quyền độc lập, chớ tôi có xui ai làm việc bạo động bao giờ! Những kẻ bạo động chắc là không ai đọc sách tôi, không đọc sách tôi nên mới lấy gà lợn mà chống lại thần thánh. Vả chăng những việc ấy là việc vô nhân đạo, nước Nam mà độc lập, tôi mà có quyền thế, quyết nhiên cũng không dung túng những kẻ làm việc bạo động như vậy, vì làm thế là làm hại cho người Nam” (lời cãi trước tòa của Phan Bội Châu) (10).

Phan Bội Châu đã trung thực khi cho rằng, “trong các sách đó, cũng có cuốn tôi viết, cũng có cuốn người khác mượn tên tôi mà viết” (*a), nhưng “biện minh” cho bản thân là không chủ trương hoạt động vũ trang, xem bạo lực cách mạng (bạo động) là vô nhân đạo, lại dùng cách ví von dân ta như “gà lợn”, Pháp như “thần thánh” là không thể chấp nhận được, cho dù đó là cách nói thậm xưng.

Quan tòa thực dân Pháp lại buộc tội và hạ bệ Phan Bội Châu:

“Ông Phan Chu Trinh là bạn của ông, cũng là người phản đối chính trị, song cách của ông Trinh là cách hòa bình, không như cách của ông là cách kịch liệt. Bao nhiêu sách viết ra truyền bá cái tư tưởng cừu thị người Pháp, bao nhiêu lần chủ trương việc bạo động, đó là cái tang chứng rõ ràng. Vì ông mà bao nhiêu người sa lạc vào con đường tội lỗi. Khi đem ra các tòa án xét mỗi một việc này, hỏi mỗi người một lúc, thế mà chúng khẩu đồng từ, đều nói tại ông xúi giục chủ trương. Bao nhiêu công việc họ làm đều là tội ở ông cả. Những người ấy vì ông sai khiến quyến rũ mà đến nỗi thế. Thế mà hỏi thì ông chối. Nhiều việc khác trong khi dự thẩm, khi thì ông đổ lỗi cho ông Nguyễn Thượng Hiền, khi thì ông đổ lỗi cho Cường Để. Xem đấy đủ biết cái cách chống chế của ông không khéo, không có can đảm, không phải là người anh hùng…” (lời của quan tòa người Pháp) (11).

Đối với lời hạ bệ chính Phan Bội Châu của quan tòa thực dân Pháp – chúng cho rằng Phan Bội Châu không phải là một anh hùng khi ông ngụy biện, chối tội (sic) –, Phan Bội Châu đã thú nhận về “chiêu bài phù Nguyễn”, cụ thể là phù Cường Để của mình:

“Tôi phản đối chính trị cố nhiên là phải cần có người, cần có của, và phải lợi dụng ông Cường Để, cho người trong nước, đã in sâu cái óc quân chủ, vui lòng giúp rập (TXA. nhấn mạnh). Điều đó tôi không chối.

Đến như hội “Duy Tân” thì là một học hội. Tôi có chiêu tập hàng thiếu niên anh tuấn trong nước ra ngoài cầu học. Ông Cường Để làm hiệu trưởng mà tôi thì làm giám đốc. Một hội như thế, có việc gì đáng tội đâu. Chẳng may chính phủ Nhật Bản cấm cách, chúng tôi phải trở về Tàu. Cái hội “Việt Nam Quang Phục” là người Tàu thương chúng tôi mà dung cho, trong đó có cả người Tàu, song nói rằng có ông Nguyễn Thượng Hiền thì thật là oan cho ông ấy quá. Điều đó tôi không chịu. Bấy giờ ông Nguyễn Thượng Hiền ở Sơn Tây chớ có ở Quảng Đông đâu! Vả chăng mục đích hội cũng chỉ là cầu học. Tôi định cổ động cho trong nước có nhiều người du học; khi có nhiều tay trí thức, bấy giờ mới yêu cầu chính phủ Bảo hộ trả lại quyền tự trị, lập thành một nước dân quốc. Trước sau tôi vẫn chủ trương dùng văn hóa mà phản đối chính trị, văn hóa không xong thì tôi mới dùng đến võ lực. Chính trị còn một ngày bất lương, tôi còn một ngày phản đối. Chính trị mà có một ngày cải lương thì lập tức tôi đình chỉ sự phản đối ấy ngay” (lời cãi trước tòa của Phan Bội Châu) (12).

Trong những đoạn tranh luận khá đanh thép với quan tòa thực dân Pháp, Phan Bội Châu vẫn tiếp tục khẳng định “chủ nghĩa Pháp – Việt đề huề” của mình và cũng để những lời đanh thép ấy trộn lẫn với cách nói ví von đầy tủi thẹn như thế. Lần này, là “như con muỗi”“như trời như biển”:

“Cái tên Phạm Văn Tráng về đây tôi mới biết. Trong hội “Việt Nam Quang Phục” không có tên người ấy. Một người không quen biết bao giờ khi nào lại có thể lấy cái quan tước, cái phú quý mười phần chưa chắc chắn phần nào mà dụ người ta làm những việc như việc ném bom, là sự mười phần chắc chết cả mười được. Họ đổ cho tôi là chủ sự, chẳng qua là họ nghe tiếng tôi ra nước ngoài viết báo làm sách, ai ai cũng biết, và nếu những người ấy có quả thật là người trong đảng tôi nữa, thì đầu đảng tôi là ông Cường Để, chủ sự tất tự ông Cường Để chớ sao lại tự tôi? Còn những việc mà tôi nói tự ông Cường Để, tự ông Nguyễn Thượng Hiền là sự thật.

Tôi chối làm gì?

Ngay từ lúc tôi làm việc phản đối chính trị, tôi đã cầm chắc hai phần: một là nước Nam được độc lập, hai là tôi phải mất đầu. Về đây, chắc chết rồi, đổ tội cho ai nữa mà mong cho nhẹ tội? Hội đảng chúng tôi dựng lên là cần có tiền, cần có người, song nhờ có ông Cường Để có thế lực với dân trong Nam, ông Thuật, ông Nguyễn Thượng Hiền có thế lực với dân ngoài Bắc, có các ông ấy thì mới có đủ thu được nhân vọng Nam, Bắc; còn tôi, tôi chỉ có thế lực ở tỉnh Nghệ, cùng mấy tỉnh Trung Kỳ mà thôi. Sự đó là sự thật, không phải tôi chối. Chúng tôi dắt nhau ra ngoài, trước hết là cần phải tìm cách để nuôi được nhau đã, vì thế nên có nhờ người Tàu giúp tiền của thật […].

Những tội lỗi của những kẻ bạo động kia mà cho là tội lỗi của tôi cả, điều đó chi phải một nửa, nghĩa là chỉ phải về một phương diện mà thôi. […] chớ về phương diện pháp luật thì khi nào tội người em lại có thể là tội người anh, tội người con có thể là tội người bố được. […] Tôi phản đối chính trị, nhưng chỉ dùng cách hòa bình, chớ không dùng cách kịch liệt. Thân tôi thì chẳng qua như con muỗi, mà nhà nước thì binh lực như trời như biển, tôi chống sao cho lại mà tính chuyện bạo động? Đến nay hơn 20 năm trời, chiếc thân cơ khổ, một việc không nên, như thế tôi sao có thể là kẻ anh hùng cứu quốc được. Nước Nam mà ra nước Nam, thời có hàng ngàn người hơn tôi đứng ra lo toan việc nước, chớ như tôi, sao có đáng là bậc anh hùng. Tôi tuy là kẻ không anh hùng, song tôi thật không phải là kẻ tiểu nhân, chỉ tham đồ phú quý…”
(lời cãi trước tòa của Phan Bội Châu) (13).

Và sau đây là lời bào chữa của luật sư Bona, người Pháp, cho “bị cáo” Phan Bội Châu. Bona, trước hết, bào chữa cho động cơ hoạt động cách mạng của Phan Bội Châu:

“Cụ đem cái ý tưởng ấy bàn với các đại thần (*b), thì bọn này lại dọa nạt cụ bằng câu xử tử. Cái máu nóng gặp phải những phản đối như vậy lại càng như sôi như đốt…” (lời bào chữa của trạng sư Bona) (14).

Cũng luật sư thực dân Bona ấy, y lại bào chữa tiếp cho bị cáo – nhà yêu nước và cách mạng Phan Bội Châu –:

“Cụ có dự định dùng võ lực thật, nhưng chỉ dùng trong trường hợp vận dụng văn hóa không thành công mà thôi. Vả lại võ lực có chính đáng thì cụ mới làm, nghĩa là luyện tập lấy lục quân, hải quân, đại bác, phi cơ, khi nào đầy đủ mới đường đường chính chính đem quân ra khai chiến.

Nhưng đó là tư tưởng cụ về trước. Còn gần đây thời cụ là người thế nào? Ngay khi vẫn còn tự do, tự chủ, được tha hồ vùng vẫy nơi hải ngoại, cụ cũng đã soạn ra hai bộ sách mới. Cuốn thứ nhất là
“Dư cửu niên lai, sở trì chi chủ nghiã”, trong đó cụ khuyên đồng bào nên từ bỏ hẳn lối bạo động, lối võ lực, theo gương Arabie và Phi Luật Tân, có tiến lên bằng văn hóa thì người Pháp phải cho tự trị. Cuốn thứ hai là “pháp - Việt đề huề luận”, trong đó cụ khuyên người Nam nên đồng lao cộng tác với người Pháp.

Trong cuốn sách này cụ có đoán rồi sau này thế nào cũng có một cuộc Pháp – Nhật chiến tranh, và khi đó người Việt Nam phải thế nào? Cụ khuyên đồng bào nên đi đôi với Pháp mà chống lại Nhật, không phải về võ bị Nhật có kém gì người Pháp, nhưng cụ viện ra bốn lẽ sau đây…”. […]

Bởi vậy cụ Phan khuyên người Việt nam phải đồng tâm với Pháp vì họ đãi mình được công bằng nhân đạo hơn. […]

Như thế chẳng phải là một bằng chứng xác thực là cụ đã biến cải cái ý tưởng trước kia của cụ đấy hay sao? […]

Như vậy thời lúc này chẳng phải là lúc nên đem cái ý kiến Pháp - Việt đề huề của cụ Phan đã khuyên người đồng bang ra mà thực hành hay sao?"
(15).

Đã rất rõ ràng, thực dân Pháp, ở khung cảnh này là quan tòa Pháp và luật sư Pháp, chúng đã bộc lộ ý đồ sử dụng Phan Bội Châu như một người đề xướng ý thức làm tay sai “hợp tác” với chúng, trong kế hoạch cai trị, bóc lột dân tộc ta, ở thời đoạn chiến tranh thế giới lần thứ nhất vừa chấm dứt, Liên bang Xô-viết vừa ra đời, ủng hộ phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc ở các thuộc địa (*c), và đặc biệt, nguy cơ cận kề nhất là phát-xít Nhật đang đà hùng mạnh. Bona còn nói thẳng, việc tha bổng cho Phan Bội Châu là một “hành động chính trị khôn khéo”, chứ không phải tòa án là nơi thực thi công lí thuần túy, cho dù là thứ công lí của thực dân, bạo quyền:

“Thưa các Ngài, các Ngài nên dung thứ cho cụ Phan Bội Châu, vì như vậy, chẳng những các Ngài đã làm được một hành động quảng đại đối với lương tâm, mà các Ngài còn làm được một hành động chính trị khôn khéo nữa, và do đó, người Pháp chúng ta, ai là kẻ thức giả cũng phải đem lòng mến phục các Ngài” (lời bào chữa của trạng sư Bona (*d)) (16).

Thực chất, cuộc xét xử Phan Bội Châu do thực dân Pháp “đạo diễn”, có nguyên nhân sâu xa hơn, như chúng ta đã biết. Đó là do cục diện chính trị thế giới đã có những biến chuyển mạnh mẽ, dữ dội. Ngay tại chính quốc, giới chóp bu Pháp đang phải đối phó với những cao trào dân chủ bên trong nước Pháp. Bài tường thuật về phiên tòa, trước đó, còn ghi nhận thêm về lời của luật sư thứ nhất, người Pháp, tên Larre:

“Trong khi ông Larre [luật sư – TXA. chua thêm] cãi lại, có dẫn cả lời của quan toàn quyền Sarraut diễn thuyết ở Bruxelles (Bỉ) và nói rằng cái chính sách thuộc địa ngay bên Pháp cũng bị nhiều chính đảng phản đối, như Đảng Xã hội hợp nhất chẳng hạn, chứ chẳng kể chi đến Đảng Cộng sản là đảng kịch liệt xưa nay” (17).

Bona lại khẳng định một cách oái ăm, trái khoáy, rằng tên thực dân chóp bu ở Đông Dương là Varenne sẽ “ý hợp tâm đầu” với Phan Bội Châu:

“Cái lí tưởng của cụ Phan, nói tóm lại, là muốn đem một tinh thần mới mà sửa đổi lại chính trị ở nước mình. Trong bài diễn thuyết của ông toàn quyền Varenne đọc tại Auvergne ngày 11 Octobre 1925, mà Thời Báo (Le Temps) bên Pháp ngày 13 Octobre 1925 đã đăng mấy câu sau này:

“Nếu cái chính sách của ta ở bên Đông Dương không kịp đem một cái tinh thần mới là cái tinh thần hòa bình, công chính, cải lương, mà sửa đổi lại, thì chỉ nay mai là gặp những biến động chẳng khác gì ở Maroc”.

Xem một câu ấy thì biết ông toàn quyền Varenne với cụ Phan Bội Châu, nếu có ngày gặp nhau sẽ ý hợp tâm đầu”
(lời bào chữa của trạng sư Bona) (18).

Nhưng, ngỡ như vô lí thay, lời nói ấy lại được chính Phan Bội Châu thừa nhận! Có thể, vì Varrenne vốn là một cựu đảng viên Đảng Xã hội Pháp, tuy y đã tự li khai, dấn thân vào hàng ngũ những kẻ cực hữu, chủ trương viễn chinh, xâm lược và duy trì, củng cố thuộc địa. Nhưng có lẽ chính xác hơn, như đã nói, nguyên nhân chính vẫn là do cục diện và trào lưu thế giới đã có nhiều biến đổi sâu sắc và rõ nét.

Cuối phiên tòa, thực dân Pháp tuyên án: Phan Bội Châu phải chịu mức án khổ sai chung thân. Và Phan Bội Châu đã tuyên bố ông sẽ chống án theo thủ tục luật pháp bấy giờ. Trước khi tiến hành thủ tục kháng án ấy, Phan Bội Châu cũng phát biểu lời cuối của mình tại phiên tòa:

“Tôi cũng cảm ơn Hội đồng đã đem tôi ra trước mặt công chúng xét xử, lại cử hai trạng sư biện hộ. […] nhưng nếu nhà nước Bảo hộ lấy văn minh sang khai hóa cho các dân tộc ở Đông Dương, thời thiết tưởng như tôi thật đáng được tha tội” (lời cãi trước tòa của Phan Bội Châu) (19).

Cũng lại là cách nói thảm hại! Cách nói ấy vừa có màu sắc phong kiến, vừa có tính chất nô lệ của một xã hội bị thực dân cũ thống trị, mà ngay chính một nhà yêu nước, cách mạng, chống Pháp như Phan Bội Châu cũng không thoát được? Đó cách nói mà chúng ta, những người đã đọc biết bao nhiêu bản “Hịch tướng sĩ”, “Bình Ngô đại cáo” của thời chống Pháp, từ phong trào Cần vương cho đến về sau này, trong đó có cả những đoạn văn, bài thơ rực lửa của chính Phan Bội Châu, không khỏi lạnh người vì xấu hổ! Mặc dù trong những ngôn từ thuộc loại đó, nói cho công bằng, với tinh thần “gạn đục khơi trong”, chúng ta vẫn thấy khí phách của Phan Bội Châu còn sót lại. Tuy vậy, có lẽ, phần nào cũng đúng như quan tòa thực dân đã hạ bệ Phan Bội Châu, ông chưa thật sự biến phiên tòa thực dân “đạo diễn” để làm mất uy tín chính ông thành phiên tòa tố cáo tội ác của chúng với bản cáo trạng đanh thép, hùng hồn nhất. Thật đáng tiếc!

Rồi sau đó không lâu, khi đã được chính phủ Pháp tại Paris chuẩn y, chính Varenne kí nghị định tha bổng cho Phan Bội Châu:

“Nghị định đặc xá Phan Bội Châu
Toàn quyền Đông Dương
Chiểu theo…

[…]
… Điều 1: Nay quyết định ân xá kể từ ngày hôm nay, xóa hoàn toàn hình phạt khổ sai chung thân cho người An Nam có tên là Phan Bội Châu.

Điều 2: Thống sứ Bắc Kỳ, khâm sứ Trung Kỳ, giám đốc Sở Tư pháp, mỗi người trong phạm vi liên quan đến mình, có trách nhiệm thi hành nghị định này.
Hà Nội, ngày 23 tháng 12 năm 1925
Varenne (đã kí)”
(20).

Có lẽ chúng ta cũng cần lưu ý, đây là nghị định ân xá hình phạt khổ sai chung thân (ngày 23-11-1925), chứ không phải là văn bản xác minh Phan Bội Châu hoàn toàn vô “tội” (“tội” yêu nước, thương dân và “tội” chống thực dân Pháp).

II. Phong trào đấu tranh đòi ân xá cho nhà yêu nước Phan Bội Châu:



Trong thực tế lịch sử, quả thật đã có phong trào nhân dân và báo chí cùng các hội đoàn trong nước và trên thế giới lên tiếng đấu tranh đòi ân xá cho nhà yêu nước, cách mạng Phan Bội Châu.

Phòng trào đó, chắc hẳn phải được phân tích với nhiều nguyên nhân.

Một trong những nguyên nhân chính yếu nhất, đó là do hình ảnh nhà yêu nước, cách mạng đồng thời là nhà văn, nhà thơ, nhà báo Phan Bội Châu trong những năm trước 1913, với hai bản án của Nam triều và một bản án của thực dân Pháp với mức án tử hình vắng mặt dành cho ông.

Một nguyên nhân khác, không kém phần quan trọng, đó là do sự “tháo xiềng” từ bên trên, do chính phủ Pháp và do toàn quyền thực dân Pháp tại Đông Dương, bởi cục diện và xu thế thế giới đã có những chuyển biến sấu sắc, mạnh mẽ, dữ dội, làm rung chuyển tận nền móng chủ nghĩa thực dân Pháp, thực dân Âu Mỹ nói chung, kể cả nguy cơ bành trướng của phát-xít Nhật đang trên đà hùng mạnh (mặc dù đến giai đoạn thế chiến thứ II, 1939 – 1945, Nhật mới chính thức gia nhập phe trục với Đức và Ý). Như đã phân tích, qua lời nói của hai luật sư thực dân Pháp, Larre và Bona, ngay cả hai toàn quyền Đông Dương, Sarraut cũng như Varenne, cũng đều phải tự điều chỉnh chính sách thực dân của chúng, nhằm mua chuộc nhân dân bản xứ thuộc địa, lôi kéo họ vào quân đội Pháp để làm bia đỡ đạn, bảo vệ chính quốc và chính quyền tại chỗ của chúng, mặc dù bản chất thực dân của chúng là không thay đổi, như lịch sử giai đoạn về sau (1925 – 1930 – 1945 – 1954) đã chứng minh. Điều này đã lí giải vì sao có cả những tờ báo tay sai đích thực của Pháp lại cũng lên tiếng đấu tranh đòi ân xá cho Phan Bội Châu. Thực chất đó là thủ đoạn mị dân của chúng và bọn bồi bút tay sai như Phạm Quỳnh.

Bên cạnh phong trào đó, trong xã hội và trên thế giới vẫn có những tiếng chê bai Phan Bội Châu, một Phan Bội Châu không còn như trước 1913 (dấu mốc rõ rệt nhất là từ khi Phan Bội Châu viết “Pháp - Việt đề huề luận”: 1918). Vì vậy, mặc dù sơ lược, nhưng chúng ta vẫn đọc thấy:

“Sau khi có lời tuyên ngôn này [của Phan Bội Châu – TXA. ct.], có rất nhiều dư luận khác nhau của các giới trong nước, nhiều bức thư ngỏ gửi cho Phan Bội Châu, và nhiều bài báo bình luận, kẻ khen, người chê (…)” (21).

Do đó, Phan Bội Châu phải viết thư gửi báo “Trung Bắc tân văn”:

“Nhờ quý báo làm ơn đăng vào báo cho mấy hàng này:

Mấy hôm nay, tôi có tiếp được nhiều bức thơ gửi về hỏi bài Tuyên ngôn của tôi. Tôi xin trả lời rằng bài Tuyên ngôn ấy tôi viết bằng chữ Hán, còn Quốc ngữ và chữ Pháp là những bài người ta dịch ra.

Nay kính thư,
Phan Bội Châu”
(22).

Từ khi Varenne đặt bút kí nghị định ân xá Phan Bội Châu, ngày 23 tháng 12 năm 1925, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, vào ngày 20-01-1926, Phan Bội Châu lại gửi thư nhờ báo chí làm rõ, về bản dịch của cuốn “Pháp - Việt đề huề luận”, như một cách minh định lại tính chất và mức độ “thỏa hiệp” với Pháp của ông:

“Kính cáo bạn đọc

Kính gửi: báo Thực Nghiệp

Xin quý báo làm ơn đăng vào báo cho mấy hàng này:

Khi tôi ở ngoại quốc, có làm quyển “Pháp - Việt đề huề luận” bằng chữ Hán. Nay thấy có người dịch ra quốc ngữ, mà dịch thì có nhiều nơi không đúng ý tưởng của tôi. Lẽ ra, thời trước khi dịch để in, người dịch phải hỏi ý kiến tôi là phải. Song, nay chuyện đã qua, tôi cũng không dám phàn nàn gì nữa. Nhưng từ nay về sau, hễ có sách vở giấy má của tôi đã làm hay sẽ làm ra, ai có muốn dịch hay chép lại đi in hay để đăng báo thời xin hỏi tôi trước đã.

Nay kính cáo
Phan Bội Châu”
(23).

Chắc hẳn cũng trong khoảng thời gian ấy, vào năm 1926 (?), khi trả lời phỏng vấn của kí giả báo L’Annam, Phan Bội Châu đã có thể bình tĩnh, khí khái hơn:

“… Điều đó, tôi đã từng nói và từng viết trong sách “Pháp – Việt đề huề”. Sự hợp tác Pháp – Việt phải được xây dựng trên cơ sở bình đẳng giữa hai dân tộc. Không có bình đẳng thì không có hợp tác. Nếu họ xem chúng ta là bạn bè, anh em thì chúng ta xem họ là anh cả, bằng họ xem chúng ta là trâu ngựa thì chúng ta xem họ là cừu thù, là quân xâm lược…” (24).

Hơn ba năm rưỡi sau, vào tháng 9-1929, Phan Bội Châu lại có một hành động như trong thời điểm xử án tại Hà Nội (một vị tú tài, Nguyễn Khách Doanh, đã đến xin thế mạng cho Phan Bội Châu), đó là việc Phan Bội Châu xin chết thay cho những chính trị “phạm”, tù nhân quốc sự trẻ tuổi thuộc Tân Việt cách mạng đảng. Ông đã viết một lá thư gửi Pierre Pasquier với nội dung như vậy (25).

III. Sự thật lịch sử đằng sau những lời “biện minh” của Phan Bội Châu trước Hội đồng Đề hình Bắc Kỳ (23-11-1925):



Sau khi được tha bổng, Pháp đưa Phan Bội Châu về an trí tại Huế. Trước khi vào Huế, trong những ngày đầu được phóng thích, tại Hà Nội, có tư liệu cho rằng Pháp gửi Phan Bội Châu vào tạm sống tại nhà một người đồng chí cũ của ông (*đ), từ khá lâu y đã về đầu thú và nhận chức sắc của Pháp. Đó là Nguyễn Bá Trác, người mà theo tương truyền, là tác giả của bài thơ “Hồ trường” bi tráng nổi tiếng. Thậm chí, hơn thế nữa, Phan Bội Châu còn đóng phim (*e), một loại phim có lẽ để tuyên truyền cho chủ nghĩa Pháp – Việt đề huề!

Tuy vậy, bốn năm sau (1929), khi đã ổn định tinh thần, Phan Bội Châu lại viết hồi kí. Đó là công việc ông đã từng làm, và bỏ dở nửa chừng. Cuốn sách bị bỏ dở ấy có tên là “Ngục trung thư”. Nay, trong túp nhà ở Bến Ngự (Huế), Phan Bội Châu lại viết tiếp, đồng thời chỉnh sửa lại những trang đã viết. Đó là cuốn “Tự phán” (tự xét định về mình) hay “Phan Bội Châu niên biểu”.

Trong “Tự phán”, Phan Bội Châu thành thật xác định những hành vi, chủ trương “bạo động kịch liệt” mà khi đứng trước vành móng ngựa tòa án thực dân Pháp mấy năm về trước, ông đã chối phắt.

“Lúc này tôi định cho người về trong làm cách bạo động kịch liệt…” (lời Phan Bội Châu nói với Hoàng Hưng – TXA. chua thêm). Tiên sinh phản đối, bảo rằng nên theo giáo dục bắt tay vào, hễ quốc dân không giáo dục thì chẳng bao giờ bạo động mà có công hiệu.

Tôi trả lời rằng: “Quyền giáo dục nước tôi, hoàn toàn trong tay người Pháp… […] … Bạo động là môi giới để cải lương giáo dục đó”.

Tôi nhân đó lấy câu “giáo dục dữ bạo động thời tịnh hành” […] Cuối cùng tiên sinh cũng cho là phải, mới đem 30 viên tạc đạn quân dụng làm quà cho tôi. Cái hi vọng của tôi từ Quảng Đông mang lên đó, tuy mới được chút đỉnh bằng lòng…” (26).

Một đoạn khác, “Ông già Bến Ngự” Phan Bội Châu viết:

“… tôi nghĩ rằng tuyên truyền chính sách hòa bình hoãn tiến, lâu nay chỉ là nói không và chuyện mộng, nên từ lúc Quang Phục hội thành lập, đêm nghĩ ngày làm, chỉ ước ao cho có một phen gọi rằng tìm được một cách chết là được. Tuy nhiên võ trang bạo động tất phải chờ kinh tế cho đủ dùng, tất cần trước phải có một ít vốn. Cờ tàn cuộc chết chỉ duy liều đánh một keo cuối cùng, dầu làm mà thua còn hơn ngồi mà chờ chết. Nghĩ thế, nên nhất thiết những việc làm bằng cách “cầu may”, tôi cũng làm liều, chẳng qua treo một cái gương thất bại cho người sau dòm mà thôi” (27).

Một đoạn khác, Phan Bội Châu viết rõ hơn:

“Kịch liệt bạo động cũng từ đây mà thực hiện.

[…]
… Nếu trị được một lĩnh tụ nhà cường quyền chính trị thì có thể kích động nhân tâm, vừa tan óc giặc, chắc là ảnh hưởng to lắm. Ai ngờ đến lúc kết quả thì có đúng gì đâu! Sáu viên tạc đạn về Bắc Kỳ không tặng cho nhà gộc chính trị, mà chỉ tặng cho tuần phủ Thái Bình (*g) và Tây buôn ở hàng cơm (*h).

Còn 4 viên tạc đạn sang Xiêm La thì chưa đến nơi mục đích, đã vất uổng trên sở cây.
Hai viên tạc đạn của Bùi Chính Lộ thì chỉ giết mấy con chó săn nhỏ, mà hi sinh đến tính mệnh rất quý.

Đó thiệt ý tôi khi đầu có nghĩ thế đâu! Nhưng sau tôi tư nghĩ lại, rất lấy làm phàn nàn. Tự biết tội liệu sự, liệu nhân của tôi, so với Tiểu La tiên sinh thiệt cao thấp xa nhau nhiều quá”
(28).

Mặc dù Phan Bội Châu viết về sự thật là ông có chủ trương và thúc đẩy, chỉ đạo hành động “bạo động kịch liệt” (“bạo lực cách mạng” mạnh mẽ) nhưng cũng chỉ với niềm hối hận (?!). Có lẽ một phần, đó là niềm hối hận thật sự của một người cách mạng thất bại, rơi vào trầm cảm; một phần khác, chắc chắn là do cuốn sách được viết ngay tại Huế, mặc dù trong ngôi nhà riêng của Phan Bội Châu. Ai bảo rằng trong ngôi nhà riêng, Phan Bội Châu không biết là quanh mình luôn luôn có những đôi mắt cú vọ của lũ mật thám Pháp, tay sai trông chừng, theo dõi, rình rập. Do đó, Phan Bội Châu đành phải viết với giọng điệu ăn năn như thế để qua mắt chúng hoặc được chúng bỏ qua.

Mặt khác, nếu chúng ta trách rằng, sao Phan Bội Châu không thể hiện khí phách hào hùng, bất khuất ngay trước tòa án Pháp tại Hà Nội vào mùa đông năm 1925, thì chúng ta cũng có thể nhận thức với một nhãn quan khác, rằng Phan Bội Châu đã xác định cho mình phương thức đấu tranh, mà vào những năm 1936 – 1939, cũng như những năm trước và sau 3 năm “Mặt trận Bình dân Pháp” thắng thế ấy, người nghiên cứu về sau thường gọi là chiến đấu trên mặt trận văn học hợp pháp, công khai, với thủ pháp “xanh vỏ đỏ lòng”.

Tất nhiên Phan Bội Châu không phải là đồng chí của V.I. Lénine, một người chủ trương cách mạng triệt để bằng bạo lực vũ trang. Phan Bội Châu thường tâm niệm câu nói của Machiavel, trong tác phẩm “Quân vương” nổi tiếng: “Vấn mục đích, bất vấn thủ đoạn” (hay “cứu cánh biện minh cho phương tiện”). Trong một bài viết trong thời gian còn ở nước ngoài về lãnh tụ vô sản ở nước Nga xô-viết, Phan Bội Châu đã trích dẫn Lénine (*i):

“Lê-nin thường nói: “Cách mạng là một cuộc đấu kiếm thực sự và quyết liệt. Cho nên không kể gì đến vũ khí và phương thức chiến đấu, bất cứ cách nào, chỉ cốt lấy được đầu đối phương là được”; lại cũng nói: “Cách mạng là một chiếc xe máy chạy nhanh, chỉ một mực tiến lên vun vút. Cho nên làm cách mạng, không chọn một thủ đoạn nào, thủ đoạn nào cũng dùng được cả”” (29).

Có thể căn cứ vào quan niệm ấy, ít ra đó chỉ là quan niệm machiavelist, vốn ảnh hưởng ở Phan Bội Châu khá đậm, cộng với tư thế tù nhân bị giam lỏng và tâm thế chung của xã hội nô lệ, trầm uất là nước ta thuở đó, để lí giải phần nào về ngôn ngữ “xanh vỏ đỏ lòng” của “Ông già Bến Ngự”.

Vấn đề đánh giá mặt lợi, mặt hại cho phong trào yêu nước, cách mạng và chống Pháp, giành độc lập, tự do và xây dựng chế độ cộng hòa, dân chủ, từ tác dụng của tác phẩm Phan Bội Châu, lại là một vấn đề khác, không thể bàn một lúc nơi đây.

Có một điều rất lạ, tuy không có một tư liệu gốc thành văn nào để lại, người đời sau sưu tầm được, ghi nhận rằng Phan Bội Châu vẫn giữ được khí phách, đã “nhổ vào mặt Varenne”, tên toàn quyền Đông Dương, người Pháp, thậm chí các văn bản thành văn hiện có lại phản ánh sự thật ngược lại là đằng khác, nhưng đến nay chúng ta vẫn đọc thấy:

“Chỉ có anh lính dõng An Nam […] Anh quả quyết – cái anh chàng ranh mãnh đó – rằng có thấy đôi ngọn râu mép người tù nhếch lên một chút rồi hạ xuống ngay, và cái đó chỉ diễn ra có một lần.

Nếu quả thế thật, thì có thể là lúc ấy Bội Châu có mỉm cười, mỉm cười một cách kín đáo, vô hình và im lặng, như cánh ruồi lướt qua vậy.

T.B.: Một nhân chứng thứ hai của cuộc hội kiến Varenne – Phan Bội Châu (xin chẳng dám nêu ra tên nhân chứng này) lại quả quyết rằng Bội Châu đã nhổ vào mặt Varenne; cái đó thì cũng có thể”
(30).

Vâng, “Bội Châu đã nhổ vào mặt Varenne; cái đó thì cũng có thể”, chứ không chắc chắn mười mươi là sự thật. Và khóe cười kín đáo, chút nhếch môi cười ruồi kia, cũng có thể, có thể thôi, là cái thần rất thật, sự thật nội tâm của nhân vật trong bức tranh ngôn ngữ hư cấu.

IV. “Chủ nghĩa Pháp – Việt đề huề” phải chăng đã được Phan Bội Châu ôm ấp đến lúc qua đời?



Đọc vội những trước tác tiếp theo, để dừng lại ở một văn bản cuối cùng và cuối đời Phan Bội Châu, di chúc có tên gọi là “Mấy lời vĩnh quyết”, chúng ta không thể không suy nghĩ, ngẫm ngợi:

“Phan Bội Châu, một tên dân Việt Nam, trước lúc gần chết mà chưa tắt hơi, kính có mấy lời thành thực từ biệt cùng anh em đồng bào.

Trước kia không kể, kể từ năm 1906… khiến cho người nước kẻ ở người đi, kẻ còn người mất và bị lụy rất nhiều, toàn là tội ác về tay tôi gây nên. Mà may quá! Từ 1925 tôi mang cái sống thừa về nước đến giờ, anh em đồng bào đã không ai trách tội tôi mà lại quá thương yêu tôi, tôi thực là hổ thẹn với đồng bào ta và cảm ơn vô cùng. Trải mười lăm năm nay, nằm co trong túp lều ở Bến Ngự cùng chiếc đò trên sông Hương, đoạn đời sống thừa của tôi, không việc gì đáng nói và đồng bào đã rõ thừa. Bây giờ tôi đã đến lúc lâm biệt, xin có lời từ biệt.

Bội Châu từ xưa tới nay, đối với đồng bào đã không chút gì là công, mà lại tội ác quá nặng. Bây giờ tôi chết, thiệt là một tên dân trốn nợ và vỗ nợ, đồng bào có thứ lượng cho tôi thì xác tôi tuy chết mà tinh thần tôi vẫn cảm ơn đồng bào luôn luôn.

“Người đến khi gần chết, lời nói hẳn lành”. Nay tôi đã đến lúc “gần chết” đó, xin có mấy lời gan phổi tỏ lời hy vọng cuối cùng với đồng bào:

Đồng bào Việt Nam ta có trên hai mươi triệu, bấy nhiêu đầu óc, bấy nhiêu tai mắt, bấy nhiêu chân tay, nếu không biết thân yêu nhau, đồng lòng hợp sức làm cái bổn phận quốc dân đối với Tổ quốc… Không thế, trên mặt địa cầu sau này sẽ không có hình bóng dân tộc Việt Nam nữa, thì Bội Châu này dầu có trốn nợ, vỗ nợ cũng may mà được chết trước anh em, tôi lấy làm một điều hạnh phúc.

Mấy lời trên, tôi xin từ biệt mà cảm ơn đồng bào…

Kính,
Phan Bội Châu quyết biệt”
(31).

Đâu là lời giải đáp về sự chuyển biến hay sự kiên trì tư tưởng “Pháp - Việt đề huề” chủ nghĩa ở Phan Bội Châu? Với thao tác giản đơn, là hệ thống hóa toàn bộ tác phẩm của Phan Bội Châu, chúng ta có tìm ra lời giải đáp ấy?

(Kính mời xem tiếp bài 2)

TRẦN XUÂN AN
Tp.HCM., Việt Nam,
02 tháng 8 HB6 –
20 giờ 53, ngày 06 tháng 8 năm HB6 (2006).


__________________

(1) Chương Thâu sưu tầm & biên soạn, “Phan Bội Châu toàn tập”, tập 4, [bài “Lời cãi trước phiên tòa đề hình ngày 23-11-1925”, trích: Bùi Đình, “Vụ án Phan Bội Châu”, Nxb. Tiếng Việt, Hà Nội, 1950], Nxb. Thuận Hóa, 1990, sđd., tr. 29.

(2) “Phan Bội Châu toàn tập”, tập 4, sđd., tr. 11 – 12.

(3) Đối chiếu: Phan Bội Châu, “Tự phán”, [Phan Bội Châu tự tay viết “Tự phán” bằng chữ Hán, tự dịch ra tiếng Việt, vào năm 1929; bản in lần thứ nhất vào năm 1956 với lời tựa của Huỳnh Thúc Kháng, viết năm 1946], Nxb. Văn hóa – Thông tin, 2000, tr. 229 – 232. Theo Phan Bội Châu trong “Tự phán”, sđd., ông viết “Pháp - Việt đề huề luận” vào năm 1918.

(4) Phan Bội Châu viết “Chủ nghĩa mà tôi ôm ấp chín năm nay” vào năm 1921. Xem: “Phan Bội Châu toàn tập”, tập 3, sđd., tr. 479 & 484.

(5) “Phan Bội Châu toàn tập”, tập 4, sđd., tr. 10.

(6) “Phan Bội Châu toàn tập”, tập 4, [bài “Lời cãi trước phiên tòa đề hình ngày 23-11-1925”, trích: Bùi Đình, “Vụ án Phan Bội Châu”, Nxb. Tiếng Việt, Hà Nội, 1950], sđd., tr. 9.

(7) “Phan Bội Châu toàn tập”, tập 4, sđd., tr. 10.

(8) “Phan Bội Châu toàn tập”, tập 4, sđd., tr. 11.

(9) “Phan Bội Châu toàn tập”, tập 4, sđd., tr. 14.

(10) “Phan Bội Châu toàn tập”, tập 4, sđd., tr. 14.

(*a) “Việt Nam vong quốc sử” vốn được các học giả Trung Quốc xếp vào “Ẩm Băng thất văn tập” của Lương Khải Siêu. Đó chính là cuốn sách do chính Lương Khải Siêu viết với mục đích chính trị nhất thời, theo phương châm bá đạo “vấn mục đích, bất vấn thủ đoạn”.

(11) Chương Thâu (biên soạn), “Hồ sơ vụ án Phan Bội Châu”, phần Trần Văn Quý sưu tầm, dịch thuật & biên soạn, Nxb. Văn hóa – Thông tin, TT. Văn hóa – Ngôn ngữ Đông – Tây, 2002, tr. 97.

(12) “Phan Bội Châu toàn tập”, tập 4, sđd., tr. 14.

(13) “Phan Bội Châu toàn tập”, tập 4, sđd., tr. 14. Đối chiếu: Phan Bội Châu, “Tự phán”, Nxb. Văn hóa – Thông tin, 2000, tr. 194 – 201.

(*b) [như Cao Xuân Dục…/ xem trên, sđd., tr. 14; & Hồ Lệ, Nguyễn Thảng, Nguyễn Thuật, theo “Tự phán”, sđd., tr 37 – TXA. chua thêm].

(14) “Phan Bội Châu toàn tập”, tập 4, sđd., tr. 20.

(15) “Phan Bội Châu toàn tập”, tập 4, sđd., tr. 22 – 24.

(*c) “Luận cương về vấn đề thuộc địa” của Lê-nin được công bố vào năm 1920.

(*d) Theo sđd., “khi 2 trạng sư cãi xong, ông Saintonge và ông Bùi Bằng Đoàn đứng ra dịch tóm tắt lời cãi cho cụ Phan nghe”.

(16) “Phan Bội Châu toàn tập”, tập 4, sđd., tr. 22 – 24.

(17) “Hồ sơ vụ án Phan Bội Châu”, sđd., tr. 105. Ở “Phan Bội Châu toàn tập”, tập 4, sđd., tr. 19, dòng cuối lại là: “ấy là chưa kể đến Đảng Cộng sản là đảng vẫn phản đối kịch liệt nhất”.

(18) “Phan Bội Châu toàn tập”, tập 4, sđd., tr. 22.

(19) “Phan Bội Châu toàn tập”, tập 4, sđd., tr. 14.

(20) “Hồ sơ vụ án Phan Bội Châu”, [Carton SPCE/351 ở C.A.O.M.], sđd., tr. 97.

(21) “Phan Bội Châu toàn tập”, tập 4, [trích chú thích của bài “Lời tuyên ngôn thông báo cả toàn quốc” của Phan Bội Châu: nguyên văn lá thư Phan Bội Châu gửi báo Trung Bắc Tân Văn, tháng 1-1926], sđd, tr. 29.

(22) “Phan Bội Châu toàn tập”, tập 4, [trích chú thích, như (21) bên trên], sđd, tr. 29.

(23) “Phan Bội Châu toàn tập”, tập 4, [trích từ báo Thực Nghiệp số ra ngày 20-01-1926], sđd., tr. 30.

(24) “Phan Bội Châu toàn tập”, tập 4, bài “Trả lời phỏng vấn của báo L’Annam về “Pháp - Việt đề huề” [khoảng 1926 (?)]”, tài liệu do Gs. Trần Văn Giàu cung cấp, sđd., tr. 31.

(25) “Hồ sơ vụ án Phan Bội Châu”, bài “Thư Phan Bội Châu gửi toàn quyền Đông Dương” [Pierre Pasquier, 11-9-1929, carton SPCE/352, COAM, Aix-en-Provence], sđd., tr. 169 – 170). Trong lá thư này, ngoài nội dung chính như trên, lại có đoạn: “Còn đối với vấn đề “họa cộng sản”, thời thiết nghĩ là hoàn toàn không đáng lo. Giả thiết rằng, một khi phong trào chuyển biến lớn, thế giới ngày càng đổi mới, nước Pháp cùng với các nước Âu Mỹ, rồi cả Nhật Bản, Trung Quốc ở Đông Á đều hóa thành như nước Nga Đỏ, thì Việt Nam không muốn là nước cộng sản cũng không thể được. Lại giả thiết rằng, nước Pháp và các nước láng giềng của Việt Nam không là cộng sản, mà chỉ đơn độc một Việt Nam, thì quyết không có khả năng thành cộng sản được. Còn bọn người hư trương cộng sản để gieo độc, lừa dối lòng người, thì đó là những lời nói ngông cuồng, tuyệt đối không có một chút hiểu biết nào, chính phủ cần gì phải bận tâm nhiều quá lắm vậy”.

(*đ) Phan Thúc Duyện, Thư gửi bộ trưởng Bộ Thuộc địa P. Raynaud, 10-1931; dẫn theo “Hồ sơ vụ án Phan Bội Châu”, sđd., tr. 162.

(*e) Theo Trần Viết Ngạc, “Một vài suy nghĩ thêm về Đông Du”, Tạp chí Xưa & Nay, số 4, tháng 9-2005, tr. 8 – 11; “Thử tìm hiểu qua báo chí đương thời: Phong trào đấu tranh đòi trả tự do cho Phan Bội Châu và những ngày đầu tiên của Phan Bội Châu ở Huế”.

Xem: http://www.chuyenluan.net/200512/0512_08.htm
& http://www.chuyenluan.net/200511/0511_07.htm

(26) Phan Bội Châu, “Tự Phán”, sđd., tr. 182 – 183.

(27) Phan Bội Châu, “Tự phán”, sđd., tr. 182 – 183.

(*g) (Do Phạm Văn Tráng thực hiện, 13-4-1913 – TXA. chua thêm [:ct.] theo chú thích của người biên tập sách).

(*h) (Do Nguyễn Văn Túy thực hiện, 26-4-1913 – TXA. ct. theo chú thích).

(28) Phan Bội Châu, “Tự phán”, sđd., tr. 195 – 196.

(*i) Ch.Th. ghi chú: tồn nghi, chưa tra cứu; xem chú thích (29).

(29) “Phan Bội Châu toàn tập”, tập 3, bài “Lược truyện Liệt Ninh (Lê Nin), vĩ nhân của nước Nga đỏ”, sđd., tr. 486.

(30) “Hồ sơ vụ án Phan Bội Châu”, [Nguyễn Ái Quốc, báo Le Paria, số 36 – 37, 9 & 10-1925; “Truyện & kí”, Nxb. Văn Học, Hà Nội, 1974, tr. 31 – 37], sđd., tr. 169 – 170.

(31) “Phan Bội Châu toàn tập”, tập 4, [toàn văn “Mấy lời vĩnh quyết”, theo báo “Tiếng Dân”, ngày 31-10-1940], sđd., tr. 392.

TXA.