8.3.07

Tham khao: MOT SO BAI VIET TU SACH & THAM LUAN KHOA HOC VE NGUYEN VAN TUONG


Tham khảo:
MỘT SỐ BÀI VIẾT TỪ CÁC CUỐN SÁCH
& THAM LUẬN HỘI THẢO KHOA HỌC
VỀ NGUYỄN VĂN TƯỜNG (tại Huế, 02-7-2002)


Vì mục đích thuần tuý sử học, tiện cho người đọc, nhất là các sinh viên khoa sử tham khảo, xin trân trọng gõ phím vi tính lại những bài sau đây, đồng thời tôi (TXA.) có viết thêm đôi lời bình chú với dạng ghi chú cuối mỗi bài, nếu cần thiết:

I. Từ sách: Nguyễn Thế Long, “Những mẩu chuyện bang giao trong lịch sử Việt Nam”, tập 2, Nxb. Giáo Dục, 9-2005.

II. Từ tập "Nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824 - 1886) -- Các báo cáo khoa học", Trung tâm KHXH. & NV. Đại học Huế, Hội KHLS. Thừa Thiên - Huế, Tạp chí Huế Xưa & Nay tổ chức, ấn hành (gồm 16 bài của 13 tác giả), 02-7-2002:

1. Góp phần làm sáng tỏ những uẩn khúc trong cuộc đời của nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường – PGS. TS. Đỗ Bang

2. Luận về chỗ đứng và sự chính danh của Nguyễn Văn Tường sau ngày thất thủ kinh đô Huế 5-7-1885 – Th.S. Nguyễn Quang Trung Tiến

3. Công - tội, vị trí của Nguyễn Văn Tường trong nhóm chủ chiến ở triều đình Huế nửa sau thế kỷ XIX – TS. Nguyễn Nhã

4. Tìm hiểu thêm về Nguyễn Văn Tường (1824 - 1886) – Nnc. Trần Viết Ngạc (đã đưa lên web này)

5. Nguyễn Văn Tường - một nhà ngoại giao nhiệt tình nhưng bất hạnh trong gọng kềm của lịch sử - Th.S. Phan Thuận An

6. Nguyễn Văn Tường trong thời gian làm Phủ doãn Thừa Thiên – Nnc. Trần Huy Thanh

Bài của Nnc. Trần Viết Ngạc đã được ông đồng ý đưa lên web từ năm 2005.
Bài của PGS. TS. Đỗ Bang được đăng tải trên web này cũng đã sự đồng ý của chính PGS. TS..
Tuy không liên lạc được với các nhà nghiên cứu khác, nhưng được sự đồng ý của PGS. TS. Đỗ Bang, nguyên chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên - Huế, người chủ trì cuộc hội thảo, cũng là người tập hợp các báo cáo nghiên cứu khoa học để in thành tập tài liệu phục vụ hội thảo, tôi mạn phép đưa lên web này các bài đã liệt kê trên.
Quý mến mong Th.S. Lê Tiến Công tiếp tục liên lạc với các vị khác giúp.
Kính mong được sự đồng ý của các nhà giáo, nhà nghiên cứu.
Thành thật cảm ơn.
TXA.


NGUYỄN THẾ LONG

NGUYỄN VĂN TƯỜNG, NHÀ NGOẠI GIAO
LÚC ĐẤT NƯỚC GẶP NHIỀU SÓNG GIÓ


Nguyễn Văn Tường tên thật là Nguyễn Phước Tường (1824 – 1886), người làng An Cư, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông học giỏi, đỗ cử nhân khoa Canh tuất, năm Tự Đức thứ 3 (1850).

Ông bắt đầu sự nghiệp quan trường bằng cách tập sự trong các bộ, rồi được nhận một chức trong Bộ Hình [huấn đạo huyện Mộ Đức, tri huyện Cam Lộ, biện lí Bộ Binh -- TXA. chua thêm (ct.)]. Sau đó ông được cử đi làm việc ở các tỉnh [án sát Quảng Nam – ct.], rồi được gọi về làm [tiếp] biện lí Bộ Binh, kế đó, làm phủ doãn phủ Thừa Thiên. Nhưng vì để xảy ra các cuộc chính biến của Hồng Tập, năm 1864, và Đoàn Hữu Trưng, năm 1886, nên ông bị giáng chức, sai đi làm [bang biện khâm phái huyện vụ huyện Thành Hoá (Cam Lộ) -- ct.], lính [tán tương quân vụ -- ct.] ở Bắc Kỳ trong bảy năm.

Năm 1973, nhờ Trần Tiễn Thành [và Vũ Trọng Bình – ct.] tiến cử, ông được vua Tự Đức gọi về kinh và cử làm phó sứ trong phái đoàn điều đình với chính phủ Pháp về việc quân Pháp đánh chiếm Hà Nội năm 1873. Ông tới Sài Gòn ngày 31-8-1873 rồi sau đó cùng Phi-lát [Philastre – ct.] ra Hà Nội dàn xếp công việc. Ông và Phi-lát đã kí hai thoả ước rút quân Pháp vào ngày 7-1-1874 và ngày 6-2-1874. Theo hai thoả ước này, quân Pháp trả cho triều đình bốn tỉnh đã chiếm ở Bắc Kỳ. Trên cơ sở những thoả ước đó, một hiệp ước đã được kí vào ngày 15-3-1874 và một thương ước kí vào ngày 31-8-1874.

Như đã biết, với chính sách tôn trọng chủ quyền của trú sứ Phi-lát nên cuộc dàn xếp đã nhanh chóng thu được kết quả, triều đình Huế coi như đã giành được thắng lợi và đánh giá công lao của Nguyễn Văn Tường rất cao. Tháng 9-1874, ông được cử làm Thương bạc đại thần (quan trông coi việc ngoại giao và ngoại thương).

Thành công trong thương thuyết của Nguyễn Văn Tường đã tạo cho ông uy tín rất lớn trong triều đình. Rê-na [Rheinart – ct.] (sau này là trú sứ ở Huế) đã viết [một cách mỉa mai, cay độc – ct.]: “Việc Phi-lát đã tới Bắc Kỳ với ý định dứt khoát là lập tức trả lại những thành trì mà Phrăng-xi Gác-ni-ê [Françis Garnier – ct.] đã chiếm được. Sứ thần Nguyễn Văn Tường chỉ phải “mệt nhọc” là nhận những thành trì đó từ tay phái viên Pháp, nhưng khi trở lại Huế, Tường đã tuyên bố rằng thành công là nhờ vào tài khéo léo và sức thuyết phục của mình, rằng Tự Đức đã chịu ơn khi thu hồi lại các tỉnh Bắc Kỳ trong một thời gian đã tưởng là bị mất. Giả thuyết ấy được người ta tin và làm cho Tường kể từ năm 1874 trở thành nhân vật ảnh hưởng nhất triều đình Huế. Được coi như người dũng mãnh đã làm cho Pháp phải nhả Bắc Kỳ, nay Tường cũng được coi như người có khả năng làm cho Pháp nhả nốt Nam Kỳ”.

Giữ chức Thương bạc đại thần đến năm 1881, Nguyễn Văn Tường đã tham gia vào mọi cuộc đàm phán với Pháp, thương thoả với các trú sứ Pháp tại Huế là Rê-na và sau là Phi-lát, trao đổi phê chuẩn hiệp ước. Ông là người chủ trương chống Pháp nên đã bị Săm-pô [Champeaux – ct.], trú sứ Pháp tại Huế, gây áp lực với Trần Tiễn Thành, nhân vật đầu triều lúc bấy giờ, bãi chức ông. Mặc dù phải thôi chức Thương bạc đại thần, ông vẫn có ảnh hưởng trong triều đình với tư cách là thượng thư Bộ Hộ. Khi sứ bộ bán chính thức của nhà Thanh là Đường Đình Canh tới Huế để bàn với triều đình Huế về thái độ đối với Pháp, Tự Đức uỷ quyền cho ông tiếp đón và bàn bạc. Tự Đức rất tin cậy ông, đã thu xếp cho con trai ông lấy chị của Ưng Đăng, con nuôi thứ ba của Tự Đức (sau này được lên làm vua, là Kiến Phúc).

Tự Đức mất (7-1883) đã để lại di chúc lập vua Dục Đức lên ngôi vua, cử phụ chính đại thần giúp vua mới, trong đó có Nguyễn Văn Tường. Khi đó, trong cung đình đã xảy ra nhiều vụ chính biến, Nguyễn Văn Tường giữ một vai chính yếu. Sau cuộc nổi dậy đánh Pháp do Tôn Thất Thuyết chủ trương ngày 5-7-1885, ông bị giặc Pháp bắt dày đi Côn Đảo, sau đó sang Ta-i-ti [Tahiti – ct.] (Thái Bình Dương). Ông mất ngày 30-7-1886.

Theo một nhận định của người nước ngoài [Yoshiharu Tsuboi – ct.], ông là “một gương tiêu biểu về chính khách quan lại kiểu Việt Nam: thông minh, có văn hoá, kiên nhẫn, bình tĩnh, vừa khéo léo thương nghị hoặc gây mưu đồ ở hành lang, vừa biết vâng phục nhà vua hoặc trốn trách nhiệm” [*].

NGUYỄN THẾ LONG
(trích nguyên mục: Nguyễn Thế Long, “Những mẩu chuyện bang giao trong lịch sử Việt Nam”, tập 2, Nxb. Giáo Dục, 9-2005, tr. 181-184).




[*] Vui lòng xem thêm:

-- "Nguyễn Văn Tường với nhiệm vụ lịch sử sau ngày kinh đô quật khởi (05-7-1885)" – Nv. / nc. Trần Xuân An, link:

http://tranxuanan-writer-5.blogspot.com/2006/11/nguyn-vn-tng-1824-1886-th-vi-nt-v-con_9621.html

http://tranxuanan-nvtnntnghia.blogspot.com

http://c.1asphost.com/TrXuanAn/an/nguyen_vtnntntxtkhduoc/nguyen_vtnntntxtkhduoc_b1.htm

http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/805_index.htm

Xem bản in giấy: Cuốn “Nguyễn Văn Tường [1824 -1886], một người trung nghĩa” đã được xuất bản, Nxb. Thanh Niên, 2006; trong đó có bài “Nguyễn Văn Tường với nhiệm vụ lịch sử sau ngày kinh đô quật khởi (05-7-1885)”.


Ngày đưa lên web: 02, 03-03 HB7 & 04-03 HB7 (2007).

TXA.



Ghi chú bổ sung (08-03 HB7 [2007]):

+++ Bài viết kết thúc bằng câu trích dẫn ý kiến của Yoshiharu Tsuboi là không thoả đáng. Tuy vậy, để tôn trọng tác giả Nguyễn Thế Long, tôi vẫn giữ trọn vẹn một tiểu mục trong sách của ông như trên, không sai một chữ. Nhưng để thuận tiện cho người đọc, nhất là các sinh viên khoa sử, trong việc tìm hiểu, nghiên cứu, đi đến chỗ tự nhận định thoả đáng, công bằng, chính xác, thật sự khoa học với tư liệu xác thực đầy đủ về Nguyễn Văn Tường (1824-1886), tôi trân trọng kính mời đọc thêm các cuốn sách tôi đã viết về đề tài này (xem links và tên sách bên trên).

+++ Vì không biết địa chỉ nhà ở, địa chỉ điện thư (e-mail), số điện thoại, tôi có nhờ thạc sĩ Lê Tiến Công liên lạc với các nhà nghiên cứu ghi trên. Quý mến mong Th.S. Lê Tiến Công tiếp tục liên lạc với các vị khác giúp, trong khi tôi chưa biết các địa chỉ, số điện thoại để liên lạc trực tiếp, hoặc gửi ngay cho tôi các địa chỉ, số điện thoại ấy.

Trần Xuân An.